Phổi chính là cơ quan đầu não chính điều khiển và thực hiện các chức năng trao đổi khí trong cơ thể. Không chỉ cung cấp khí oxy cần thiết cho cơ thể, phổi còn giúp loại bỏ các khí carbonic, khí độc không tốt cho sức khỏe. Hầu hết, bất kể lứa tuổi nào đều cũng có nguy cơ mắc bệnh đường hô hấp. Vậy các bệnh về hô hấp và cách phòng chống như thế nào?
7 bệnh hô hấp thường gặp và cách điều trị
Tỷ lệ điều trị thành công với các bệnh hô hấp hiện nay rất cao, khoảng 82%, nhưng đáng tiếc tỉ lệ phát hiện lại chỉ đạt khoảng 37%. Điều này chứng tỏ kiến thức của người bệnh về bệnh đường hô hấp còn hạn chế, dẫn tới rất nhiều trường hợp đã đến giai đoạn cuối không thể chữa trị mới được phát hiện.
Dưới đây là 7 bệnh hô hấp thường gặp nhất và cách điều trị để bạn đọc có thể tham khảo:
Viêm phế quản cấp
Viêm phế quản cấp là khái niệm dùng để chỉ tình trạng viêm nhiễm cấp tính của niêm mạc phế quản. Đây là một trong những bệnh về đường hô hấp thường gặp nhất hiện nay.
Tác nhân gây bệnh
Chủ yếu do virus, vi khuẩn.
Một số ít do dùng kháng sinh không phù hợp.
Một số nguyên nhân khác: Khói thuốc lá, khí độc nơi làm việc, khí độc chiến tranh. Người bị hen, mề đay, phù Quink dễ bị viêm phế quản cấp hơn người bình thường.
Các yếu tố thuận lợi cho bệnh hình thành: Cơ thể người bệnh gầy yếu, sống trong môi trường ẩm thấp, thời tiết thay đổi đột ngột…
Dấu hiệu điển hình
Bệnh khởi phát bằng triệu chứng ho khan, sau đó ho có đờm màu xanh, trắng đục hoặc vàng.
Cảm giác khó thở xảy ra ở số ít người bệnh.
Triệu chứng tự khỏi sau khi kéo dài dưới 1 tuần, hoặc kéo dài đến 20 ngày đòi hỏi phải can thiệp điều trị.
Hướng khắc phục
Một số ít trường hợp không điều trị vẫn có thể tự khỏi.
Không khuyến khích dùng thuốc long đờm, giảm ho.
Khuyến khích người bệnh uống nhiều nước.
Bác sĩ chỉ định dùng kháng sinh trong các trường hợp: Người bệnh đã trên 65 tuổi, ho kéo dài, ho có đờm, người bệnh có sẵn một số bệnh về tim, phổi, đái tháo đường…
Viêm phổi
Viêm phổi là tình trạng tổn thương các tổ chức phổi, thường gặp nhiều ở người có cơ địa xấu. Bệnh được chia thành hai loại chính là viêm phổi thùy và phế quản phế viêm.
Viêm phổi thuộc một trong những bệnh hô hấp điển hình
Tác nhân gây bệnh
Chủ yếu do vi khuẩn, virus, nấm và kí sinh trùng.
Nguyên nhân khác: Hóa chất, tắc phế quản..
Các yếu tố thuận lợi cho bệnh hình thành: Thời tiết thay đổi đột ngột, người già và trẻ em có sức khỏe yếu, người nghiện rượu, hút thuốc, người mắc phải một số bệnh khác.
Dấu hiệu điển hình
– Bệnh viêm phổi thùy
Khởi phát bằng một cơn sốt cao với biểu hiện rét run.
Khó thở, đau ngực, môi tím, vã mồ hôi, co giật gặp ở một số người cơ địa yếu (người già, trẻ em, người nghiện rượu).
Ho khan, sau đó ho có đờm.
– Phế quản phế viêm
Khởi phát bằng triệu chứng sốt kèm theo khó thở.
Người bệnh không được điều trị có dấu hiệu nặng hơn với những cơn lơ mơ, mê sảng.
Bệnh có thể gây suy hô hấp, nhiễm trùng huyết rồi dẫn đến tử vong.
Hướng khắc phục
Là một trong những bệnh hô hấp nguy hiểm, viêm phổi đòi hỏi phải được điều trị càng sớm càng tốt.
Cho người bệnh nghỉ ngơi, ăn uống bằng thức ăn lỏng, dễ tiêu.
Bù điện giải và nước.
Dùng thuốc hạ sốt, thuốc kháng sinh theo chỉ định của bác sĩ.
Hen phế quản
Hen phế quản gặp nhiều hơn ở trẻ em, là khái niệm chỉ bệnh lý viêm mạn tính của phế quản dưới sự tham gia của nhiều tế bào và thành phần tế bào.
Tác nhân gây bệnh
– Hen phế quản do dị ứng
Bụi bẩn từ môi trường sống và làm việc, lông động vật.
Vi khuẩn, virus, nấm (ít gặp).
– Hen phế quản không do dị ứng
Yếu tố di truyền ảnh hưởng đáng kể đến khả năng mắc bệnh.
Trong công việc người bệnh thường xuyên phải lao động gắng sức.
Thời tiết lạnh, thay đổi đột ngột.
Dấu hiệu điển hình
Các cơn hen khởi phát vào ban đêm hoặc sáng sớm đi kèm hắt hơi, ngứa mũi, sổ mũi.
Triệu chứng khó thở, tím chân tay, thở rít kéo dài từ vài phút đến vài giờ.
Người bệnh ho khạc đờm đặc, nhiều hạt nhỏ.
Hướng khắc phục
Sử dụng thuốc điều trị theo từng bậc.
Điều trị hỗ trợ bằng thở oxy 2l/phút.
Kết hợp thuốc giãn phế quản và kháng sinh theo chỉ định khi cần.
Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính – COPD
Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính – COPD là nguyên nhân gây tử vong cao thứ 4 trên thế giới (chỉ sau bệnh mạch vành, ung thư và tai biến mạch máu não). COPD đặc trưng bởi sự giới hạn lưu lượng khí, bao gồm viêm phế quản mạn, khí phế thũng và hen phế quản không hồi phục.
COPD có nguy cơ tử vong rất cao nếu không được điều trị
Tác nhân gây bệnh
Hút thuốc lá: Có 15 – 20% người hút thuốc mắc COPD. Người hút thuốc lá thụ động cũng làm tăng nguy cơ mắc bệnh.
Chất độc từ môi trường sống, học tập, làm việc.
Nhiễm trùng hô hấp thời thiếu niên làm tăng nguy cơ mắc COPD khi trưởng thành.
Yếu tố gen di truyền, điển hình là thiếu hụt α1 antitrypsine.
Dấu hiệu điển hình
Ho là triệu chứng đầu tiên, chủ yếu xảy ra vào ban ngày, tần suất ho ngày càng nhiều lên theo thời gian.
Đờm xuất hiện sau khi ho.
Khó thở xảy ra từ từ, sau đó kéo dài dai dẳng, nghiêm trọng hơn khi người bệnh leo cầu thang, đi bộ, xách đồ đạc. Khi bệnh đã nặng, khó thở phổ biến hơn và không chấm dứt ngay cả khi được nghỉ ngơi.
Khó thở cũng là triệu chứng điển hình nhất của COPD.
Hướng khắc phục
Là một bệnh về đường hô hấp không thể chữa khỏi dù dùng bất cứ biện pháp nào, tuy nhiên các biện pháp điều trị COPD vẫn phải thực hiện từ sớm để hạn chế biến chứng xấu cho người bệnh.
Nếu người bệnh hút thuốc, buộc phải ngừng càng sớm càng tốt.
Sử dụng thuốc để điều trị: Thuốc thay thế nicotine, thuốc chống trầm cảm…
Không dùng thuốc giảm ho, tiêu đờm.
Bệnh nhân COPD giai đoạn nặng cần điều trị hỗ trợ bằng oxy liệu pháp.
Ung thư phổi
Đây là một bệnh ung thư bắt đầu từ trong phổi. Bệnh là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở Mỹ. Ung thư phổi rất hiếm khi chữa khỏi được.
Tác nhân gây bệnh
Hút thuốc lá, bao gồm cả chủ động và thụ động là nguyên nhân hàng đầu.
Yếu tố nguy cơ: Người thường xuyên tiếp xúc với radon và amiang, người nghiện rượu, người có người thân bị ung thư phổi, người mắc các bệnh khác về phổi.
Một số trường hợp không rõ nguyên nhân.
Dấu hiệu điển hình
Bệnh tiến triển âm thầm, giai đoạn đầu gần như không gây ra các triệu chứng bất thường mà chỉ rõ ràng khi bệnh đã nặng. Vì thế nếu thấy cơ thể có một trong các triệu chứng dưới đây, hãy đến gặp bác sĩ ngay lập tức.
Ho dai dẳng không khỏi, ho có đờm, ho ra máu, khản giọng.
Khó thở, thở khò khè, tức ngực.
Rất hay nhức đầu.
Giảm cân, sụt cân bất thường.
Hướng khắc phục
Dựa trên tình trạng của người bệnh, bác sĩ sẽ chọn một phác đồ điều trị phù hợp nhất. Trên thực tế, có một số biện pháp phổ biến được áp dụng là:
Phẫu thuật cắt bỏ khối u ở phổi.
Hóa trị để diệt tế bào ung thư.
Xạ trị bằng cách sử dụng năng lượng cao dầm.
Điều trị bằng thuốc.
Hỗ trợ chăm sóc bằng cách giúp người bệnh thư giãn, hạ nhiệt độ phòng hoặc bật quạt mát.
Liệu pháp châm cứu, thôi miên, massage, yoga hay ngồi thiền cũng là một cách giúp người bệnh cảm thấy tốt hơn khi bệnh không thể chữa khỏi.
Tràn dịch màng phổi
Là hiện tượng trong khoang màng phổi xuất hiện nhiều dịch hơn bình thường.
Bệnh tràn dịch màng phổi
Tác nhân gây bệnh
Tràn dịch màng phổi do dịch thấm: Nguyên nhân chủ yếu là suy tim trái, xơ gan, tắc động mạch phổi.
Tràn dịch màng phổi do dịch tiết: Nguyên nhân chủ yếu là ung thư, cạnh viêm phổi, bệnh ổ bụng, các chấn thương và bệnh lý khác.
Dấu hiệu điển hình
Đau nhói ở ngực, đau nhiều khi hít sâu.
Khó thở, đặc biệt gặp nhiều hơn khi nằm.
Ho, ho có đờm, ho ra máu gặp nhiều ở tràn dịch màng phổi do viêm phổi.
Hướng khắc phục
Điều trị bệnh dựa vào nguyên nhân và phải thông qua sự thăm khám thực tế mới xác định được. Các biện pháp điều trị chủ yếu bao gồm:
Điều trị bằng thuốc.
Dẫn lưu màng phổi.
Sinh thiết và nội soi màng phổi.
Chọc tháo dịch màng phổi.
Hóa trị, xạ trị.
Phẫu thuật cắt màng phổi, xơ hóa màng phổi.
Lao phổi
Lao phổi chiếm khoảng 80% trong tổng số bệnh lao. Bệnh gặp nhiều ở người lớn hoặc trẻ em từ 10 – 14 tuổi.
Tác nhân gây bệnh
Vi khuẩn lao người là nguyên nhân chủ yếu nhất, một số ít do vi khuẩn lao bò.
Yếu tố thuận lợi: Thường xuyên tiếp xúc với người bị bệnh lao phổi, người có sẵn bệnh HIV/AIDS, đái tháo đường, người nghiện rượu, người già, phụ nữ có thai, người thường xuyên căng thẳng tinh thần.
Yếu tố gen đóng một vai trò nhỏ trong nguyên nhân gây bệnh.
Dấu hiệu điển hình
Điển hình bằng những cơn sốt nhẹ xảy ra vào buổi chiều tối.
Cơ thể mệt mỏi, da xanh xao, hay ra mồ hôi vào ban đêm.
Ho nhiều, ho khạc đờm, ho ra máu.
Đau ngực, cảm giác khó thở khi bệnh đã nặng hơn.
Các triệu chứng diễn biến theo từng đợt, có thời gian tự chấm dứt sau đó quay lại với mức độ nặng hơn.
Hướng khắc phục
Chủ yếu là điều trị nội khoa bằng thuốc tùy theo tình trạng của người bệnh.
Phẫu thuật dùng khi điều trị nội khoa không có hiệu quả, tuy nhiên rất hiếm khi được chỉ định.
Có phải tất cả bệnh hô hấp đều lây qua đường hô hấp?
Bệnh lây qua đường hô hấp là khái niệm dùng để chỉ những bệnh có khả năng lây nhiễm từ người sang người qua tiếp xúc thông thường. Tuy nhiên, không phải tất cả các bệnh về đường hô hấp đều lây qua đường hô hấp. Chỉ những bệnh có nguyên nhân từ vi khuẩn, virus mới có khả năng lây nhiễm.
Qua đó, các bệnh dễ lây từ người này sang người khác là viêm phế quản cấp, viêm phổi, tràn dịch màng phổi do viêm phổi, lao phổi. Vì vậy, cần hết sức cẩn thận khi chăm sóc, tiếp xúc với người bệnh để tránh tình trạng bệnh bùng phát thành dịch.
Biện pháp phòng ngừa các bệnh hô hấp
Để bảo vệ hệ hô hấp và toàn bộ cơ thể, hãy tránh xa thuốc lá
– Từ bỏ hút thuốc, tránh xa khói thuốc là biện pháp cần thiết để hạn chế khả năng mắc bệnh.
– Đeo khẩu trang, găng tay và cẩn trọng hết sức khi tiếp xúc với người bệnh.
– Ăn uống đủ chất, uống nhiều nước để tăng sức đề kháng. Hạn chế các thực phẩm kém lành mạnh, điển hình là rượu bia.
– Giữ vệ sinh thân thể và làm sạch môi trường sống.
– Chú ý giữ ấm cơ thể khi trời lạnh.
– Đi khám sức khỏe định kỳ 6 tháng một lần và đến gặp bác sĩ khi thấy cơ thể có những dấu hiệu lạ.
Như vậy, hầu hết các bệnh hô hấp đều cần có sự can thiệp của bác sĩ mà không thể tự điều trị tại nhà. Với số người mắc bệnh ngày một tăng, bệnh về đường hô hấp hứa hẹn sẽ trở thành nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trên thế giới. Bên cạnh việc bảo vệ bản thân khỏi các tác nhân gây bệnh thì bảo vệ môi trường, bảo vệ Trái đất cũng vô cùng quan trọng.