Bệnh bạch hầu (tiếng Anh: diphtheria) là bệnh nhiễm khuẩn cấp tính có giả mạc ở tuyến hạnh nhân, hầu họng, thanh quản, mũi. Bệnh có thể xuất hiện ở da, các màng niêm mạc khác như kết mạc mắt hoặc bộ phận sinh dục. Đây là một bệnh vừa nhiễm trùng vừa nhiễm độc và các tổn thương nghiêm trọng của bệnh chủ yếu là do ngoại độc tố của vi khuẩn bạch hầu – tên khoa học là Corynebacterium diphtheria – gây ra.
Bệnh được Hippocrates miêu tả lần đầu tiên vào thế kỷ thứ 5 trước Công Nguyên. Một số tài liệu cũng gợi ý đến sự hoành hành của bệnh bạch hầu ở Syria và Ai Cập cổ đại. Các nhà khoa học đã tìm ra vi khuẩn gây bệnh vào khoảng năm 1883-1884, và kháng độc tố được phát minh vào cuối thế kỷ XIX.
Bạch hầu – căn bệnh nguy hiểm
Bệnh bạch hầu có khả năng lây lan nhanh hàng đầu
Hiện nay, vì cộng đồng vẫn còn chủ quan, chưa nhiều người biết Bạch hầu là bệnh gì nên công tác phòng tránh còn hạn chế. Đây là bệnh nguy hiểm, thậm chí được xếp vào top những căn bệnh dễ lây lan nhất. Các đối tượng chính dễ bị lây là trẻ em dưới 5 tuổi và người già trên 60 tuổi.
Bạch hầu có thể lây một cách rất dễ dàng và nhanh chóng thông qua các hạt nước bọt hoặc dịch hô hấp của người bị. Một người bình thường nếu tiếp xúc với đồ dùng cá nhân, hoặc tiếp xúc trực tiếp qua da với các chất dịch bài tiết của người bệnh cũng có khả năng lây nhiễm vi khuẩn cao. Thời gian ủ bệnh có thể kéo dài từ 2 – 5 ngày mới bắt đầu hình thành giả mạc và xuất hiện các triệu chứng phụ.
Tuy nhiên, không phải lúc nào người mắc bạch hầu cũng xuất hiện các triệu chứng điển hình. Theo đó, nếu một người đã bị nhiễm vi khuẩn bạch cầu khoảng 6 tuần, hoàn toàn không có bất cứ triệu chứng bệnh lý nào vẫn có thể tiếp tục lây nhiễm sang người khác.
Vậy là ngay cả khi bạn không biết bạch hầu là bệnh gì, mình có bị mắc hay không thì bạn đã có thể là trung gian truyền bệnh.
Các lý do trên đã khiến bệnh bạch hầu trở thành một căn bệnh có khả năng lây lan nhanh, mạnh, có khả năng bùng phát dịch trong cộng đồng.
Bệnh bạch hầu có nhiều biến chứng nguy hiểm
Khi bạn tìm hiểu bạch hầu là bệnh gì thì hẳn là bạn đang rất quan tâm xem liệu bệnh này có biến chứng nào nguy hiểm đến sức khỏe hay không. Câu trả lời là có.
Bạch hầu ban đầu chỉ gây cảm giác mỏi mệt, khó chịu. Tuy nhiên, theo thời gian bệnh sẽ trở nặng, khiến người bệnh xanh xao, nhịp tim không ổn định và tạo áp lực lên các dây thần kinh. Vi khuẩn bạch hầu cũng gây nhiều tổn thương cho thận, tim mạch và hệ thần kinh trung ương.
Hai biến chứng phổ biến nhất đối với các bệnh nhân mắc bệnh bạch hầu là viêm cơ tim và viêm dây thần kinh. Bạn có thể chưa rõ bạch hầu là bệnh gì nhưng hẳn là biết chắc hai biến chứng nêu trên nguy hiểm như thế nào. Tệ hơn nữa người bệnh có thể bị liệt cơ hoành gây viêm phổi và suy hô hấp cấp.
Ngoài ra, trên thế giới đã ghi nhận thêm một số biến chứng khác của bệnh bạch hầu như viêm kết mạc mắt, tắc nghẽn đường hô hấp,…
Bệnh bạch hầu có thể gây tử vong
Có thể bạn đang khá ngạc nhiên nhưng bệnh bạch hầu thực sự có thể gây tử vong ở người. Thậm chí vi khuẩn bạch hầu có thể giết chết bệnh nhân chỉ trong vòng 6 – 10 ngày mắc bệnh tùy theo cơ địa của bệnh nhân. Các biến chứng kể trên cũng góp phần đưa bạch hầu thành một bệnh có tiên lượng xấu, tỷ lệ tử vong cao.
Hiện nay tỷ lệ tử vong trung bình của bệnh nhân mắc bệnh bạch hầu là 5 – 10%.
Nguyên nhân gây bệnh bạch hầu
Vi khuẩn Corynebacterium diphtheriae là nguyên nhân gây ra bệnh bạch hầu. Bệnh rất dễ dàng lây lan từ người bệnh sang người lành qua đường hô hấp. Hoặc lây gián tiếp khi tiếp xúc với đồ chơi, vật dụng có dính chất bài tiết của người bị nhiễm vi khuẩn bạch hầu. Kể cả khi người bệnh không biểu hiện triệu chứng của bệnh thì họ vẫn có khả năng lây truyền vi khuẩn cho người khác sau khoảng 6 tuần, kể từ khi bắt đầu nhiễm khuẩn.
Vi khuẩn bạch hầu thường ảnh hưởng nhiều nhất đến mũi và họng. Một khi bạn đã bị nhiễm khuẩn, vi khuẩn sẽ giải phóng ra độc tố, độc tố này sẽ xâm nhập vào dòng máu, gây ra các lớp màng dày, màu xám ở:
- Họng
- Lưỡi
- Mũi
- Đường thở (khí quản)
Trong một số trường hợp, những độc tố do vi khuẩn tiết ra có thể gây tổn thương đến các cơ quan khác trong cơ thể, bao gồm tim, não và thận. Do vậy, bệnh có thể dẫn đến những biến chứng đe dọa tính mạng, ví dụ như viêm cơ tim, liệt hoặc suy thận.
Trẻ em thường được tiêm phòng bệnh bạch hầu từ khi mới sinh nên bệnh rất hiếm gặp. Tuy nhiên, ở những địa phương có tỷ lệ tiêm chủng vắc-xin bạch hầu thấp thì bệnh vẫn có thể lây lan. Ở những địa phương này, trẻ em dưới 5 tuổi và người cao tuổi trên 60 tuổi là những đối tượng nguy cơ cao dễ mắc bệnh bạch hầu.
Những người sau đây cũng sẽ có nguy cơ mắc bệnh bạch hầu cao hơn nếu:
- Không được tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch
- Sống trong điều kiện môi trường không vệ sinh hoặc quá đông đúc, chật hẹp.
- Đi du lịch đến một đất nước không tiêm chủng vắc-xin bạch hầu
- Bị các rối loạn miễn dịch, ví dụ như bị AIDS
Dấu hiệu nhận biết bạch hầu
Triệu chứng của bệnh bạch hầu thường sẽ xuất hiện trong vòng 2-5 ngày sau khi bị nhiễm vi khuẩn. Một số người sẽ không biểu hiện bất cứ triệu chứng nào trong khi một số người khác sẽ xuất hiện các triệu chứng nhẹ và thường bị nhầm là cảm lạnh thông thường.
Triệu chứng dễ nhận thấy và phổ biến nhất của bệnh bạch hầu là hình thành mảng màu xám, dày ở họng và amidan. Các triệu chứng phổ biến khác bao gồm:
- Sốt
- Ớn lạnh
- Ho ông ổng
- Viêm họng, sưng họng
- Sưng các tuyến ở cổ
- Chảy nước dãi
- Có cảm giác lo lắng, sợ hãi.
- Da xanh tái
Ngoài ra, một số triệu chứng khác có thể sẽ xuất hiện thêm trong quá trình bệnh tiến triển, bao gồm:
Khó thở hoặc khó nuốt
Thay đổi thị lực
Nói lắp
Các dấu hiệu sốc, ví dụ như da tái và lạnh, vã mồ hôi và tim đập nhanh
Bệnh bạch hầu phòng ngừa và điều trị như thế nào?
Hiện nay, đã có thuốc để điều trị bệnh bạch hầu, tuy nhiên, trong giai đoạn tiến triển, bệnh bạch hầu có thể gây hại cho tim, thận và hệ thần kinh của người bệnh. Ngay cả khi điều trị, bệnh bạch hầu có thể gây tử vong với tỷ lệ 3% những người mắc bệnh bạch hầu tử vong, tỷ lệ này còn cao hơn ở trẻ em dưới 15 tuổi.
Cách phòng ngừa:
- Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng; che miệng khi ho hoặc hắt hơi; giữ vệ sinh thân thể, mũi, họng hàng ngày; hạn chế tiếp xúc với người mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh.
- Người có dấu hiệu mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh bạch hầu phải được cách ly và đưa đến cơ sở y tế để được khám, điều trị kịp thời.
- Đảm bảo nhà ở, nhà trẻ, lớp học thông thoáng, sạch sẽ và có đủ ánh sáng.
- Người dân trong ổ dịch cần chấp hành nghiêm túc việc uống thuốc phòng và tiêm vắc xin phòng bệnh theo chỉ định và yêu cầu của cơ quan y tế.
Bạch hầu là bệnh nguy hiểm nhưng có thể đề phòng dễ dàng bằng cách tiêm chủng phòng bệnh. Trì hoãn việc tiêm phòng vì bất cứ lý do gì sẽ khiến cho trẻ tăng nguy cơ mắc bệnh.
Bệnh bạch hầu không có tính miễn dịch trọn đời, vì thế nếu đã mắc bệnh nguy cơ bị tái nhiễm các lần sau vẫn rất cao. Vì thế, để chủ động tạo miễn dịch với vắc xin là biện pháp an toàn, hiệu quả và kinh tế nhất.
Vắc xin bạch hầu có trong tất cả các vắc xin kết hợp 3 trong 1; 4 trong 1; 5 trong 1, hay 6 trong 1, dành cho trẻ từ 6 tuần đến 6 tuổi:
- Vắc xin kết hợp 6 trong 1 Hexaxim hoặc Infanrix Hexa (phòng 6 bệnh: Ho gà, bạch hầu, uốn ván, viêm gan B, bại liệt và viêm màng não mủ/viêm phổi do vi khuẩn HiB).
- Vắc xin kết hợp 5 trong 1 Pentaxim (phòng 5 bệnh: Ho gà, bạch hầu, uốn ván, bại liệt và các bệnh do Hib) hoặc vắc xin trong chương trình TCMR ComBE Five (Phòng 5 bệnh: bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm màng não mủ/viêm phổi do vi khuẩn HiB và viêm gan B).
- Vắc xin kết hợp 3 trong 1 Adacel (phòng các bệnh Bạch hầu – Ho gà – Uốn ván).
- Vắc xin kết hợp 4 trong 1 Tetraxim (phòng các bệnh Bạch hầu – Ho gà – Uốn ván – Bại liệt).
Bệnh bạch hầu là bệnh gì? bài viết đã mô tả chi tiết và đầy đủ cho các bạn. Để đảm bảo hiệu quả tiêm chủng và an toàn, trước khi tiêm, khách hàng sẽ được các bác sĩ chuyên khoa thăm khám, sàng lọc đầy đủ các vấn đề về thể trạng và sức khỏe, tư vấn về vắc-xin phòng bệnh và phác đồ tiêm, cách theo dõi và chăm sóc sau tiêm chủng trước khi ra chỉ định tiêm vắc-xin theo khuyến cáo mới nhất của Bộ Y tế & Tổ chức Y tế Thế giới.