Dù là lựa chọn phương pháp phá thai nào thì đều có biến chứng và nguy cơ sức khỏe. Nhưng những nguy cơ đó sẽ giảm bớt phần nào nếu hạn chế số lần phá và thực hiện ở cơ sở y tế chuyên khoa uy tín.
1. Phá thai có nguy hiểm không?
Nạo phá thai là tác động trực tiếp vào buồng tử cung, có nhiều nguy cơ gây chảy máu, nhiễm khuẩn, viêm phần phụ, một số trường hợp thủng tử cung hay dính buồng tử cung, có thể ảnh hưởng đến sức khoẻ và khả năng sinh sản về sau.
Theo lời khuyên của các bác sĩ sản khoa, chỉ khi nào trong tình trạng bất đắc dĩ không thể giữ thai lại được thì mới nên chấm dứt thai kỳ vì sẽ để lại hậu quả nghiêm trọng như sót nhau thai, chảy máu, nhiễm khuẩn, thủng tử cung, dính lòng tử cung, vô sinh…
Tuổi vị thành niên nếu nạo phá thai thì mức độ mắc bệnh và biến chứng sau này còn nặng nề hơn rất nhiều.
2. Các phương pháp phá thai
2.1. Phá thai nội khoa
Phá thai nội khoa là dùng thuốc để chấm dứt thai kỳ. Đây là quá trình bao gồm nhiều bước liên quan đến 2 thuốc và hoặc nhiều liều của một thuốc. Khi dùng 2 thuốc thì hiệu quả và ít tác dụng phụ hơn 1 thuốc. Phương pháp này thuận tiện, riêng tư, ít xâm lấn. Tuy nhiên, nếu phương pháp thất bại cần phải phá thai ngoại khoa.
Phương pháp này áp dụng đối với các tuổi thai từ khi phát hiện thai trong tử cung đến hết 22 tuần vô kinh. Tùy theo từng tuổi thai, thời gian từ nhà đến cơ sở y tế, sẽ có các phác đồ khác nhau như liều lượng thuốc, đường dùng và cách theo dõi (theo dõi tại nhà, tại phòng khám hay phải nhập viện theo dõi).
2.2. Phá thai ngoại khoa
Phá thai ngoại khoa là dùng các thủ thuật đưa dụng cụ qua cổ tử cung để lấy thai ra ngoài, bao gồm hút chân không và nong gắp thai.
Tùy theo tuổi thai sẽ có phương pháp thủ thuật khác nhau như sau:
- Tuổi thai từ 6 đến 12 tuần vô kinh: Dùng thủ thuật hút thai chân không bằng tay (MVA) hoặc bằng máy (EVA).
- Tuổi thai trên 12 tuần đến hết 18 tuần: Dùng thủ thuật nong – gắp thai (D&E).
3. Biến chứng của phương pháp phá thai
3.1. Biến chứng của phương pháp phá thai nội khoa
- Đau bụng, chảy máu: Bệnh nhân có thể dùng thuốc giảm đau, nếu đau tăng nhiều thì cần đến cơ sở y tế có chuyên môn. Nếu ra máu ướt đẫm 2 băng vệ sinh dày trong vòng 1 giờ kéo dài 2 giờ liên tiếp thì cần phải đến cơ sở y tế ngay, nếu cần thiết thì phải truyền máu.
- Sốt, buồn nôn và nôn: Có thể dùng thuốc hạ sốt và triệu chứng buồn nôn, nôn có thể dùng thuốc chống nôn, nhưng thường tự hết.
- Tiêu chảy: Có thể dùng thuốc chống tiêu chảy và uống bù nước để tránh mất nước quá nhiều.
- Nhiễm trùng: Nếu nghi ngờ cần tái khám ngay, nếu được xác định là nhiễm trùng thì cần dùng kháng sinh và nhập viện hút buồng tử cung nếu cần.
- Rủi ro trong lần mang thai tiếp theo như: chảy máu âm đạo trong thời kỳ đầu mang thai; sẩy thai, sinh non; trẻ sinh ra bị thiếu cân; viêm nhiễm nặng.
3.2. Biến chứng của phương pháp phá thai ngoại khoa
Thông thường các biến chứng nguy hiểm đến tính mạng là hiếm xảy ra sau phá thai an toàn, nhưng những biến chứng vẫn có thể xảy ra ngay cả khi thủ thuật được thực hiện một cách đúng đắn và chuyên nghiệp. Do vậy, khi phá thai được thực hiện ở những cơ sở hoặc người thực hiện thủ thuật không an toàn, thì những biến chứng thường gặp hơn nhiều.
Biến chứng do kỹ thuật
- Viêm nhiễm đường sinh dục: Khi thực hiện thủ thuật, mặc dù các dụng cụ đã được tiệt trùng và thực hiện cẩn thận thì quá trình chảy máu vẫn tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập. Nhẹ thì gây viêm nội mạc tử cung, nặng thì dẫn đến viêm dính tử cung và dẫn đến vô sinh, thậm chí là tử vong.
- Băng huyết: Các thao tác nạo, hút thai nếu không được thực hiện đúng kỹ thuật có thể làm cho cổ tử cung bị rách thủng, vỡ tử cung. Nếu không được xử trí kịp thời và thích hợp có thể gây choáng mất máu, đe dọa đến tính mạng.
- Sót nhau, thai: Một trong các biến chứng thường gặp là sót nhau hoặc sót một phần thai. Tùy mức độ có thể có các phương pháp xử trí khác nhau như ngậm thuốc, hoặc hút buồng tử cung.
- Phản ứng thuốc mê: Trong các ca nạo, hút thai to, người bệnh sẽ bị gây mê và có nguy cơ bị phản ứng thuốc mê, làm ảnh hưởng đến thần kinh, gây sốc hoặc thậm chí đe dọa tới tính mạng.
Biến chứng về nội tiết và tâm lý
- Hiện tượng kinh nguyệt không đều.
- Giảm cảm giác trong quan hệ tình dục.
- Suy nhược thần kinh.
- Chóng mặt, mệt mỏi, mất ngủ.
- Tắc ống dẫn trứng, dẫn đến việc thai ngoài dạ con, vô sinh.
Các biến chứng khác
- Dính buồng tử cung, viêm vùng chậu: Khi nạo, hút làm lớp cơ thành tử cung bị tổn thương, 2 vách trước và sau của tử cung dính nhau, làm xuất hiện các triệu chứng đau bụng, bế kinh…
- Đau do tử cung co lại: Tử cung co lại sau khi nạo, hút thường dẫn tới cảm giác đau bụng.
- Lạc nội mạc tử cung: Khi nạo, hút thai, do sự co bóp của tử cung hoặc áp lực của ống hút khiến máu chảy vào trong bụng sẽ có lẫn một ít nội mạc tử cung và nuôi cấy luôn trong khoang bụng, hình thành nên chứng Lạc nội mạc tử cung. Từ đó dẫn đến đau bụng, vô sinh thứ phát, rối loạn kinh nguyệt và đau khi giao hợp.
Nhiều nguyên nhân khiến thai phụ phải bỏ thai như: sức khỏe sinh sản không tốt, thai nhi dị tật, thai ngoài tử cung, có thai ngoài ý muốn,… nhưng để hạn chế những ảnh hưởng đến sức khỏe, nên thực hiện phương pháp phá thai ở cơ sở y tế chuyên khoa uy tín với trang thiết bị y tế hiện đại, đội ngũ bác sĩ chuyên khoa giỏi.
Đồng thời nên thăm khám sức khỏe thường xuyên, lên kế hoạch tốt nếu muốn có thai và lựa chọn cho mình một biện pháp tránh thai thích hợp, hiệu quả nếu chưa muốn có thai.